KHÁI QUÁT VỀ ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA SƠN TÂY

             I.  ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN
            Sơn Tây là xã miền núi nằm về phía Tây Nam huyện Hương Sơn; phía Tây giáp Thị trấn Tây Sơn và xã Sơn Kim 2; phía Nam giáp xã Hương Quang (Vũ Quang); phía Bắc giáp Sơn Hồng, Sơn Lĩnh và Sơn Quang; phía Đông giáp xã Sơn Hàm, Sơn Diệm và xã Sơn Thọ (Vũ Quang). Tổng diện tích tự nhiên của xã là 13.050 ha, trong đó đất lâm nghiệp 11.201 ha, đất sản xuất nông nghiệp 701 ha, đất phi nông nghiệp 378 ha, đất chưa sử dụng 713 ha. Địa hình của xã chủ yếu là đồi núi, chiếm 80% diện tích. Đồi núi chạy dọc theo sông Rào Qua và Quốc lộ 8A với nhiều dãy nối tiếp nhau như: núi Cổ Xôi, Động Trùa, Rú Lim nối tiếp núi Sum Sum (giáp với xã Sơn Diệm); núi Chín Nhớn (350 m), núi Nậm 1 (580 m) giáp xã Sơn Lĩnh; rú Giặc. Len lỏi giữa núi đồi là các đồng bằng và sông, suối nhỏ như: Chè, Trồi, Chi Lời, Rào Qua, Rào Mặc, Hói Lụng xuất phát từ rừng đầu nguồn hợp cùng sông Ngàn Phố chảy qua xã Sơn Tây (12 km). Do có nhiều khe suối nhỏ đổ về, xã có điều kiện đắp nhiều hồ đập lớn nhỏ, phục vụ việc tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Sơn Tây mang đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng nóng về mùa hè và lạnh về mùa đông. Nhiệt độ trung bình năm là 23,5 0 C. Mùa nóng: bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10. Mùa này khí hậu khô và nóng, nhiệt độ trung bình trên 30độ C. Thời điểm nóng nhất từ tháng 6 đến tháng 7, nhiệt độ có khi lên đến 40độ C. Mùa lạnh: từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Mùa này thường có gió mùa Đông Bắc kèm theo mưa phùn, nhiệt độ trung bình xuống thấp (dưới 20 0 C), thấp nhất xuống là 7 0 C. Lượng mưa trung bình hàng năm 2.661 mm. Cao nhất trong năm vào tháng 8, tháng 9 và tháng 10; thấp nhất là tháng 1 và tháng 2. Độ ẩm trung bình cả năm khoảng 86%. Sơn Tây là địa phương có diện tích ao, hồ, bàu tương đối nhiều, có tới 40 ha bàu, trên 13 đập, lại nằm bên hữu ngạn sông Ngàn Phố nên ngoài những đặc trưng của vùng nhiệt đới gió mùa, Sơn Tây có những đặc điểm khí hậu riêng: về mùa lạnh thì nhiệt độ thấp hơn, lạnh hơn, thường có sương mù dày đặc. Với địa hình rừng núi, có sông Ngàn Phố chảy qua, chất đất vùng này được phân định 2 nhóm rõ rệt, nhóm đất đồi rừng chiếm đa số (có đá vôi, đá xanh cứng, đất đỏ ba gian) và nhóm đất phù sa phân bố dọc sông Ngàn Phố và các khe suối, chủ yếu là thịt nhẹ, cát, có nơi lẫn vàng (năm 1988 - 1989 có khai thác vàng ở khe Gát). Với đặc điểm tự nhiên như vậy, Sơn Tây có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, cây màu và kết hợp chăn nuôi hộ gia đình.

            Là xã nằm ở hữu ngạn sông Ngàn Phố, giao thông đường thủy Sơn Tây trước đây tương đối thuận lợi. Trên địa bàn có 5 bến đò gồm: bến đò bãi gỗ Đá Buồm phục vụ đi lại cho nhân dân hai xã Sơn Tây, Sơn Lĩnh; bến đò Hà Tân nối liền hai vùng Hồ Tây và đồn điền Hà Tân, Voi Bổ (nay được thay thế bằng cầu Hà Tân) bến đò Trung Lưu phục vụ nhân dân sản xuất tại đượng Khe Náp và phục vụ dân sinh đi lại của hai xóm Phố Tây, Trung Lưu; bên đò Hoàng Nam phục vụ các xóm Hoàng Nam, Trung Lưu, Phố Tây; bến đò Nông trường tại xóm Hà Chua chủ yếu phục vụ nhân dân nông trường qua lại và sản xuất tại khu vực Đượng Dâu. Ngoài ra, trên địa bàn xã có Quốc lộ 8A chạy dọc xã với chiều dài 11 km; các tuyến huyện lộ Phố Tây - Vũ Quang, Tây - Linh - Hồng đã được nâng cấp, mở rộng. Trên địa bàn có 4 cây cầu (Cây Tắt, Sến, Hà Tân, Hà Rọ) trong đó cầu Hà Tân bắc qua sông Ngàn Phố (nằm trên Quốc lộ 8A) là cầu lớn
nhất với chiều dài 175 m. Đây là một trong những tuyến giao thông huyết mạch trong thời kỳ chống Mỹ.

            Sơn Tây còn có một thuận lợi để phát triển kinh tế đó là: từ năm 2007, theo quyết định số 162/2007/QĐ-TTg ngày 19/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ, về việc thành lập khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Theo đó, xã Sơn Tây cùng với các xã Sơn Kim 1, xã Sơn Kim 2 và thị trấn Tây Sơn (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) là cửa ngõ của khu kinh tế cửa khẩu này đã tạo điều kiện để xã phát triển các loại hình dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường cũng như tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

           III. ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT VÀ VĂN HÓA TINH THẦN

           1. Đời sống vật chất
           Phần lớn diện tich xã Sơn Tây là đồi núi, các nông trường nên hoạt động kinh tế chủ yếu của nhân dân là khai thác lâm thổ sản và trồng cây công nghiệp: chè, cao su. Nghề nông trồng lúa nước có nhưng rất ít. Sau khi các nông trường giải thể, thành lập các làng xã, nhân dân vẫn tiếp tục phát triển các nghề khai thác rừng và trồng cây công nghiệp, diện tích lúa nước ngày càng được mở rộng. Đến nay, diện tích trồng lúa nước của xã là 235 ha; trồng hoa màu: ngô, lạc, đậu (379 ha). Diện tích cây công nghiệp và lâm nghiệp như: chè (100 ha) cung cấp nguyên liệu cho Xí nghiệp chè Tây Sơn; có 159,7 ha rừng. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng phát triển theo, vật nuôi chủ yếu là trâu bò, dê, hươu, gia cầm. Hiện này, đàn trâu bò của xã có 1.650 con, đàn lợn 1.000 con, đàn hươu 1.470 con, dê 134 con. Trên địa bàn xã có nhiều mô hình chăn nuôi, kết hợp trồng rừng, trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao, như: gia đình anh Hoan (xóm Chùa) nuôi 80 con bò; gia đình anh Hà (xóm Cây Chanh) có 10 con hươu, 7 con bò và đàn dê hàng chục con; gia đình anh Liên (xóm Khí Tượng) có 7ha rừng, 1,5 ha cây ăn quả, 2ha hồ nuôi cá, 7 con bò và 10 con lợn siêu nạc; gia đình anh Lê Văn Nuôi (xóm Hà Chua) có 30 ha rừng, 7 ha hồ nuôi cá, 2 ha trồng cây ăn quả. Sơn Tây có các nghề thủ công truyền thống: Nghề đan, may mặc, nghề rèn, dệt, đóng gạch thủ công, khai thác lâm sản. Các nghề này được du nhập từ làng nghề các nơi khác đến, được hình thành từ những năm 1954 - 1955 và mai một ần chỉ còn nghề mộc tổ tư tồn tại. Đến giai đoạn những năm 1970, Sơn Tây có một số tên tuổi nổi tiếng: Nghề rèn có ông Nguyễn Văn Toan, ông Nghĩa, ông Sáu, ông Trinh, ông Liên, ông Phú Diệu. Thợ may nổi tiếng có cố Huề, ông Hối, ông Kỷ. Thợ Đan có ông Danh, ông Vy. Thợ Mộc có ông Dư, ông Cu, ông Hậu. Ngoài ra, ở Sơn Tây có bà Sinh, bà Nho nổi tiếng với nghề buôn bán; săn bắn giỏi có ông Tao, cố Mưu, cố Ích, ông Vi Viết Khèn, ông Lưu, Đào Hữu Bàng, cụ Trần Trữ; chài lưới giỏi có giáo dân xóm nhà thờ như cụ Diệm, cụ Dung, cụ Truyền, cụ Hiển... Trên địa bàn xã có chợ Hà Tân (thành lập từ 1912 - 1915), chợ họp 15 phiên/tháng. Chợ Voi Bổ (thành lập 1915), chợ thay đổi vị trí 4 lần (Bãi Bè, Voi Bổ, Hà Dưa, Trung Tâm) nay có tên gọi là chợ Trung Tâm (xóm Hà Chua), chợ họp 30 phiên/tháng. Là nơi giao lưu buôn bán địa phương, thậm chí cả và ngoài tỉnh, nước bạn Lào, Thái Lan.

           2. Đời sống tinh thần
            Tư tưởng - tôn giáo
            Tư tưởng Nho giáo ảnh hưởng đến Sơn Tây từ rất sớm. Đa số nhân dân chịu ảnh hưởng của Nho giáo từ cưới hỏi, ma chay, quan niệm sống đến thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ... Do Nho giáo có những đạo lý phù hợp với cốt cách và truyền thống của người Việt nên dễ du nhập và ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Nó hòa quyện với truyền thống và đạo lý của văn hóa dân gian. So với các xã khác trong huyện Hương Sơn, Sơn Tây là địa phương không có đình làng cũng không có chùa chỉ có một số ngôi đền như: Đền Cả, đền Cây Thị (ở Tân Thủy), Lòi Đền, đền Rú Điện, điện Cả Hầm Hầm. Mỗi ngôi đền, điện đều gắn với những sự tích cụ thể mà cha ông dựng nên để bày tỏ sự tôn kính đối với những người có công với nước. Đáng tiếc là qua thời gian, đến nay không còn tài tiệu lưu trữ. Riêng Đền Cả được xây bằng gạch, cấu trúc toàn nhà bằng gỗ lợp ngói. Trong đền có tượng phật bằng gỗ do thời gian, chiến tranh bị mai một nên đền không còn. Điện thờ ở xóm Nam Nhe. Điện thờ Thành Hoàng tại Rú Điện xóm Hoàng Nam đến nay không còn dấu tích để lại. Tại Kim Thành có điện cả Hầm Hầm. Đến năm 1992, điện bị dỡ bỏ nhưng nay vẫn còn dấu tích. Đền Voi Bổ là Di tích lịch sử cách mạng, nơi diễn ra nhiều hoạt động cách mạng của nhân dân đồn điền Voi Bổ, đến nay đền không còn.
             Các sinh hoạt văn hóa
             Sơn Tây là xã có truyền thống văn hóa nghệ thuật dân gian của huyện Hương Sơn. Các hình thức sinh hoạt dân gian mang âm điệu dân ca Nghệ Tĩnh như: hát ví, hát đối, hò, vè giao duyên... được người dân sử dụng thường xuyên trong các dịp lễ, tết, hội làng. Và nhắc đến những âm điệu dân ca này không thể không kể đến một số tên tuổi như cụ Lương, cụ Mạo, cố Cung, bà Hợi. Những lời ca, điệu hát về tình yêu nam nữ, tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, tình yêu lao động sản xuất được thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi. Các hình thức vui chơi, giải trí, thể dục thể thao như: cướp cù, đánh đu, thi vật, leo cây chuối, ném cổ chai… cũng xuất hiện sớm và được nhân dân phát huy, đặc biệt là dịp lễ hội hàng năm (ngày mồng 5 tết, rằm tháng giêng). Tiêu biểu là Cố Nhỏ, ông Hiếu, ông Tín, ông Cu Niêm, ông Cu Bảy. Những người giỏi võ, giỏi vật có ông Châu, cụ Lộc, cụ Phan Vinh, cố Tín, cố Nhỏ, cố Mưu, ông Hiếu. Tất cả các sinh hoạt văn hoá, thể dục thể thao thể hiện đậm nét tình yêu nghệ thuật, yêu cuộc sống và tinh thần đoàn kết, yêu quê hương, làng xóm của người dân Sơn Tây.

Bản đồ hành chính
 Liên kết website
Thống kê: 286.477
Online: 19