TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG CỦA NHÂN DÂN VÙNG ĐỒN ĐIỀN HÀ TÂN, SÔNG CON, VOI BỔ TRONG PHONG TRÀO (1930 - 1945)

Dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến

Về kinh tế: Dưới chế độ thực dân phong kiến, đời sống của nhân dân nơi đây bị bóc lột nặng nề. Phải làm thân trâu ngựa để biến những vùng đất hoang vu, cây cối um tùm thành thành các đồn điền trồng cà fe, chè cho Pháp. Đến mùa thu hoạch cà fe mỗi công nhân phải hái được 84 kg/1 ngày và đêm về phải dã hết vỏ số lượng cà fe hái ban ngày thì mới được tính công. Nếu trong quá trình hái mà làm rụng quả xanh sẽ bị phạt nặng. Vì vậy, hàng ngày nhân dân phải nai lưng làm việc cật lực, cẩn thận để đảm bảo sản lượng, ngày công được khoán, thời gian để nghỉ ngơi ít ỏi. Đời sống nhân dân vô cùng khổ cực.

Về chính trị: Dưới sự quản lý trực tiếp của người Pháp nên người dân nơi đây bị bóp ngẹt quyền tự do, dân chủ ở làng xã: nhân dân không được tụ họp; phụ nữ không được tham gia hội họp, đi đến đình, đền; không được nấu rượu, ai nấu chúng sẽ phạt nặng và bắt đi tù, trái lại bắt dân ta phải mua loại “rượu cồn” nhập từ Pháp sang nếu ai không mua thì bị đánh đập; cấm trao đổi, mua bán muối để chúng độc quyền. Ai làm sai chúng bắt bỏ tù, đánh đập dã man.

Về mặt xã hội: Do ảnh hưởng của chính sách “ngu để trị” của thực dân Pháp nên hơn 95% người dân các đồn điền bị mù chữ. Việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân không được chú ý. Các dịch bệnh thường xuyên hoành hành.

Dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến, nhân dân vùng đồn điền Sông Con, Voi Bổ, Hà Tân nói riêng, cả nước nói chung bị chèn ép về mọi mặt, bắt đi lính, đi phu, khai khẩn đất hoang, phục dịch... Đời sống vô cùng cực khổ. Mâu thuẫn giữa nhân dân ta với thực dân Pháp và phong kiến tay sai ngày càng trở nên gay gắt, đây là cơ sở để thổi bùng nên phong trào đấu tranh cách mạng khi có điều kiện.

Phong trào đấu tranh của nhân dân từ ngày Đảng ra đời (1930 - 1945)

Ngày 03.02.1930, Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập tại Hương Cảng (Trung Quốc). Đây được xem là sự kiện quan trọng đối với cách mạng Việt Nam. Tháng 4.1930, đồng chí Nguyễn Kính (tức Liễn) - cán bộ Đảng Cộng sản Việt Nam được phái về Hương Sơn để trực tiếp lãnh đạo tổ Tân Việt, tiến tới xây dựng tổ chức cộng sản. Qua nghiên cứu quá trình công tác và thẩm tra lý lịch của từng cá nhân, 17/37 đảng viên Tân Việt của toàn huyện được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Các đồng chí này nhanh chóng được phân công về cơ sở để xây dựng chi bộ Đảng. Nhờ đó, chi bộ Phố Châu - Tình Diệm, Đông Trung, Tứ Mỹ, Đông Tràng đã ra đời. Trong tháng 6, tháng 7 (1930), huyện có thêm các chi bộ: Phúc Nghĩa (Sơn Ninh), làng Đông (Hữu Bằng), Yên Nghĩa, Xuân Trì, Thọ Lộc, An Bài. Đối với vùng đồn điền miền núi, được sự quan tâm của tổng ủy, một số phu đồn điền được giác ngộ, bồi dưỡng qua các cuộc đấu tranh như: Trần Cận, Lê Đệ, Nguyễn Liên được kết nạp vào Đảng. Tháng 12.1930, chi bộ Hà Tân cùng với chi bộ Đôn Mỹ (Sơn Trà), Gôi Mỹ (Sơn Hòa) được thành lập gồm 3 đảng viên ………….. Đây được xem là dấu mốc đầu tiên của Đảng bộ Sơn Tây (sau này) trên con đường cách mạng đầy hy sinh, gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang. Từ đây, phong trào cách mạng ở vùng đồn điền Nam Nhe, Sông Con, Voi Bổ đã đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là những hạt giống đỏ thuộc thế hệ đầu tiên được Đảng gieo trên mảnh đất vùng đồn điền Hà Tân, Sông Con, Voi Bổ. Dù xuất thân từ thành phần nào, tầng lớp nào nhưng đại đa số họ là hạt nhân tích cực và trung kiên được rèn luyện, thử thách, sàng lọc qua thực tiễn đấu tranh cách mạng; là những người Cộng sản xuất sắc, giàu nhiệt tình cách mạng, sẵn sàng hy sinh mọi lợi ích cá nhân, dám xả thân vì lý tưởng, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì ấm no và hạnh phúc của nhân dân. Đó là thắng lợi to lớn đầu tiên, có ý nghĩa quyết định nhất đối với phong trào cách mạng ở Hương Sơn nói chung, vùng đồn điền Hà Tân, Sông Con, Voi Bổ nói riêng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tháng 11.1931, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã cử cán bộ về phụ trách ở Hương Sơn thành lập Ban Chấp hành Huyện ủy lâm thời. Các chi bộ Đảng, sau đó là Huyện ủy Hương Sơn được thành lập đã kịp thời lãnh đạo nhân dân đứng dậy đấu tranh cách mạng, tiêu biểu là cuộc biểu tình ngày 19.9.1930 và ngày 22.9.1930. Dưới sự lãnh đạo của tổng ủy, trực tiếp là chi bộ đồn điền Hà Tân, nhân dân đã tham gia biểu tình trong ngày 19.9 và ngày 22.9.1930, góp phần tạo nên một phong trào đấu tranh mạnh mẽ ở Hương Sơn giai đoạn 1930 - 1931. 

Bước sang giai đoạn 1932 - 1935, trước cuộc khủng bố trắng của địch, hầu hết Chi bộ Đảng trong huyện trong đó có chi bộ Hà Tân bị phá vỡ. Tuy nhiên, bằng nhiều hình thức khác nhau, vùng đồn điền có diễn ra phong trào đấu tranh đòi quan lại phong kiến chia lại ruộng đất công, giảm nợ. Riêng vùng Sông Con giai đoạn này có ông Hồ Hảo trực tiếp lãnh đạo phong trào. Trong những năm hoạt động bí mật, ông Hồ Hảo được gia đình ông Chắt Đồng ở xóm Bàu (Hồ Sen) bảo vệ, ban ngày chủ yếu ở trong rừng, vùng Xai Bay, sau đỉnh núi Sum Sum (tức Mục Đầu. Lúc bấy giờ, các ông Hồ Hảo, Hồ Hùng, Hồ Nhu, Hồ Lượng, Hồ Tích đã hoạt động rất tích cực.

Những năm 1936 - 1939, tình hình trong nước và thế giới có sự thay đổi. Mặt trận Bình dân Pháp sau khi lên cầm quyền đã thực hiện một số chính sách nới rộng quyền tự do, dân chủ cho các nước thuộc địa. Thời kỳ này, nhân dân vùng đồn điền đã tham gia phong trào đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ dưới hình thức: tuyên truyền sách báo tiến bộ, lập các hội ái hữu để giúp đỡ nhau, tham gia phong trào “Đông Dương đại hội”, ký tên vào bản “dân nguyện” để đòi quyền tự do, dân chủ. Trong các đội còn tổ chức các phường hội như: phường săn, phường cấy, phường than… để giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Đặc biệt, năm 1937, trong các đồn điền Sông Con, Voi Bổ, Hà Tân phong trào đấu tranh đòi bọn chủ đồn điền phải bỏ hẳn tô phụ, tô rừng, tăng tiền công, giảm giờ làm thu nhiều thắng lợi. Ngoài ra, ở đồn điền Voi Bổ, được sự giúp đỡ của các đồng chí cách mạng, nhân dân đã đứng lên đấu tranh chống độc quyền thu mua ngô thắng lợi. Trước khí thế đấu tranh của quần chúng, bọn chủ đồn điền lúc này phải nhượng bộ một số quyền lợi về kinh tế, chính trị, góp phần cùng nhân dân toàn huyện tạo nên một phong trào đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh mạnh mẽ. Đỉnh cao là tháng 01/1939, chi bộ ghép đồn điền Sông Con, Cầm Lĩnh được thành lập gồm 4 đồng chí là: Trần Cận, Lê Đệ (cu-li đồn điền người Đức Thọ), Trần Trữ và Nguyễn Liên (người Xa-Lang - nay là xã Sơn Tân) tại Cây Kè - Hố Ná - Sông Con do đồng chí Lê Đệ làm Bí thư chi bộ đã liên tiếp lãnh đạo hai cuộc đấu tranh của công nhân thắng lợi, buộc chủ đồn điền phải đuổi tên Cao Minh, một tên khét tiếng gian ác, đánh đập công nhân tàn nhẫn và thực hiện tăng lương, giảm giờ làm cho công nhân.

Năm 1939, sau khi chính phủ bình dân bị lật đổ, đế quốc Pháp thẳng tay đàn áp phong trào cộng sản và phong trào đòi các quyền tự do dân chủ ở chính quốc cũng như ở các nước thuộc địa. Ở Đông Dương lúc này chúng tiến hành phát xít hóa bộ máy thống trị, vơ vét sưu thuế, ra sức bóc lột nhân dân. Cũng như các nơi khác trong toàn tỉnh, ở Hương Sơn chúng tăng quyền hành cho bọn hào mục, khôi phục lại hệ thống đoàn phu, lập lại chức bang tá, buộc các làng lập lại các điếm canh và cho người ngày đêm canh gác. Thực dân Pháp còn cấm lưu hành các loại sách báo tiến bộ, cấm các cuộc tụ họp đông người, đình chỉ mọi hoạt động của các tổ chức tương tế, ái hữu. Bằng nhiều thủ đoạn thâm độc và xảo quyệt, chúng tăng cường vơ vét người và của để cung cấp cho nhu cầu chiến tranh phi nghĩa. Nhiều thanh niên phải đi lính đánh thuê bảo vệ quyền lợi cho chính quốc.

Năm 1940, phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương cấu kết với thực dân Pháp vơ vét của cải. Chúng đã thực hiện nhiều chính sách khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, bắt dân ta nhổ lúa trồng đay. Thực dân Pháp, ra sức bóc lột dân ta bằng hình thức thu thuế, thu mua thóc gạo, cướp bóc lương thực. Riêng xứ Hà Tân năm 1944 có 75 ha ruộng đất gieo trồng vụ chiêm  năm đó chúng đã thu vào cho quỹ trên 300 tạ… Vì thế, đời sống của nhân dân vô cùng đói khổ.

Trước sự bóc lột, áp bức của Pháp, Nhật, nhân dân Hương Sơn đã đứng dậy đấu tranh. Tiêu biểu nhất là vụ trừng trị tên Pherây - chủ đồn điền Sông Con. Đêm 14 rạng 15.5.1941, cuộc bạo động nổ ra, chủ đồn điền bị giết. Lực lượng bạo động đã thu 5 khẩu súng, 700 viên đạn. Sau cuộc bạo động này, đồng chí Trần Trử bị bắt lưu đày tại Sơn La.

Ngày 09.3.1945, Nhật tiến hành đảo chính hất cẳng Pháp độc chiếm Đông Dương. Sau khi lên cầm quyền, chúng triệu tập bọn tổng lý với danh nghĩa ăn mừng độc lập nhưng thực chất là để loan truyền, kêu gọi quần chúng ủng hộ chính phủ bù nhìn, đồng thời ca ngợi công lao của Nhật. Mặt khác, để lừa phỉnh nhân dân ta, phát xít Nhật đã ra chiếu lệ cứu tế nạn đói. Chúng trích một số gạo cấp cho tổ chức Thanh niên tiền phong để nấu cháo phát chẩn cho dân bị đói.

Tình hình cách mạng đang đứng trước nhiều biến động, ngày 09.4.1945, một số đồng chí ở Hương Sơn trong đó có người vừa ra tù, người sống ở địa phương họp lại tại làng Thịnh Xá để bàn kế hoạch đón thời cơ. Cuộc họp đã nhất trí lấy cớ chống sưu thuế để phát động phong trào trên cơ sở đó mà xây dựng lại các chi bộ Đảng và tổ chức quần chúng. Để lãnh đạo phong trào trên, cuộc họp cũng nhất trí thành lập Huyện ủy lâm thời gồm các đồng chí: Trần Bình, Hồ Cương, Trần Chí Tín rồi phân công nhau về địa phương bắt liên lạc với các đồng chí cũ. Đồng chí Hoàng Kiều (Kiều Liêu – tức Ba ở xã Sơn Mai) được Huyện Đảng bộ phân công bám vùng các đồn điền để xây dựng phong trào. Lúc này, ở Sông Con đồng chí Trần Trữ đảng viên bị bắt trước đây được tha về cùng với các đồng chí Lê Đệ, Nguyễn Liên tiếp tục tham gia hoạt động, kêu gọi công nhân, phu đồn điền đứng dậy đấu tranh.

Ngày 13.8.1945, Nhật đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện. Ngày 17.8.1945, Huyện ủy lâm thời Hương Sơn tổ chức cuộc họp đại biểu hội đồng Việt Minh toàn huyện tại làng Tứ Mỹ (Sơn Châu) có đại diện của Ủy ban khởi nghĩa liên tỉnh là đồng chí Nguyễn Trọng Tạo về chỉ đạo để vạch kế hoạch giành chính quyền và lập Ủy ban khởi nghĩa huyện. Đối với đồn điền Voi Bổ lúc bấy giờ kéo dài lên thôn Khe Sú (ngày nay). Chủ đồn điền Roong (Chapaini) bỏ chạy sang Lào. Thời gian này, các hộ người Lào được chính quyền đặt tên họ “Lê”.

Ngày 18.8.1945, khắp nơi trong toàn huyện làng nào cũng trống mõ vang dội, tổ chức mít tinh để phổ biến kế hoạch khởi nghĩa. Ngày 19.8.1945, nhân dân các đồn điền dưới sự lãnh đạo của tổ chức Việt Minh và Ủy ban khởi nghĩa làng đã cùng nhân dân các làng khác tập trung lại sau đó kéo lên huyện tham gia cướp chính quyền tại Phố Châu. Đúng 11h trưa ngày 19.8.1945, lực lượng vũ trang vùng đồn điền phối hợp với lực lượng vũ trang huyện do hai đồng chí Trần Hùng, Trần Hào chỉ huy đã vào đồn Nam Nhe bắt Rite và vào đồn Voi Bổ bắt Roong cùng một số tên tay sai của Pháp, thu vũ khí và lấy thóc gạo chia cho dân nghèo. Từ đây, người dân vùng đồn điền thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp và chủ đồn điền, bắt đầu cuộc sống tự do. Ngay sau đó, đồng chí Trần Bình - Chủ tịch lâm thời huyện Hương Sơn đã giới thiệu đồng chí Phạm Mạnh Tường - người xã Đồng Khánh (Sơn Giang) lên tiếp quản địa bàn các đồn điền và thành lập hai Ban Quản trị ở đây. Ban Quản trị đồn điền hoạt động như bộ máy hành chính của xã sau này. Ban Quản trị đồn điền Hà Tân gồm các ông: Trinh Hiển, Võ Duy Diệu, Phan Xuân Liên. Ban Quản trị Đồn điền Voi Bổ gồm các ông: Phạm Dũng, Kiều Liêu và Phạm Mạnh Tường.

 Mười lăm năm sau khi ta đời, Đảng cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân làm nên thắng lợi vẻ vang, đỉnh cao là Cách mạng tháng Tám năm 1945, lật nhào chế độ thực dân phong kiến, giành quyền làm chủ quê hương đất nước. Trên chặng đường vẻ vang đó, nhân dân vùng đồn điền đã có nhiều đóng góp để viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc qua cao trào cách mạng 1930 - 1931, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939) và cuộc vận động tiến tới Cách mạng tháng Tám (1945). Người dân lao động từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ quê hương. Đây là thắng lợi của sự đoàn kết, nhất trí và quyết tâm của các tầng lớp nhân dân lao động, thắng lợi của sự vận dụng đúng đắn các chủ trương của Việt Minh liên tỉnh, thể hiện tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, nhân dân xã nhà dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trích "Lịch sử Đảng bộ xã Sơn Tây"


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin cùng chuyên mục

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Bản đồ hành chính
       Liên kết website
      Thống kê: 286.737
      Online: 37