Căn cứ Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thực hiện kế hoạch của Ủy ban nhân dân các cấp về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Chiều hôm nay, ngày 16 tháng 02 năm 2023, UBND xã Sơn Tây tổ chức triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tham dự hội nghị có các đồng chí trong Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); các đồng chí cán bộ, công chức, không chuyên trách cấp xã, Bí thư chi bộ, thôn trưởng 13 thôn trên địa bàn xã.
Toàn cảnh hội nghị
Với mục đích phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của Nhân dân nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, đồng bộ, khả thi; phản ánh ý chí, nguyện vọng của Nhân dân và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Tại hội nghị, chủ trì đã quán triệt kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân, theo đó, cần tiến hành lấy ý kiến đối với các tầng lớp nhân dân sinh sống trên địa bàn xã Sơn Tây; Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; Các tổ chức, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn; Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác trên địa bàn xã. Lấy ý kiến toàn bộ nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), gồm bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó tập trung nội dung trọng tâm của dự thảo Luật, gồm: (1) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (3) Phát triển quỹ đất; (4) Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hạn mức giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; (5) Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; (6) Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; (7) Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; (8) Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; (9) Hộ gia đình sử dụng đất.
Đối với các tầng lớp Nhân dân, lấy ý kiến tập trung vào các nội dung trọng tâm: (1) Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; (2) Trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; (3) Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (4) Về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; (5) Về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; (6) Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; (7) Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác, tổ chức lấy ý kiến tập trung vào các nhóm nội dung: (1) Các trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê và cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; (2) Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; (3) Các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; (4) Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất; (5) Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; (6) Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; (7) Các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; (8) Chế độ sử dụng đất trong các khu công nghiệp.
Đối với các cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, lấy ý kiến tập trung: (1) Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; (2) Về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; (3) Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (4) Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; (5) Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; (6) Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; (7) Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất; (8) Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; (9) Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; (10) Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các Văn bản liên quan đã được đăng tải toàn văn trên Trang thông tin điện tử xã Sơn Tây (Xasontay.hatinh.gov.vn); Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được lấy ý kiến thông qua nhiều hình thức khác nhau: Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến UBND xã Sơn Tây; thảo luận tại các hội nghị Ban chỉ đạo, họp các tổ chức, họp thôn do UBND xã chỉ đạo, phân công tổ chức thực hiện đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Các thôn đều phải tổ chức họp dân lấy ý kiến của bà con nhân dân và hoàn thành trước ngày 23/02/2023. Ban chỉ đạo xã phải họp thống nhất ý kiến và tổng hợp chuyển về UBND huyện trước ngày 05/3/2023.
Các đại biểu tham gia cuộc họp thảo luận xoay quanh vấn đề tìm giải pháp tổ chức cuộc họp lấy ý kiến nhân dân cho có hiệu quả cao nhất; thảo luận các nội dung chủ yếu cần tập trung lấy ý kiến nhân dân và các tổ chức.
Một số ý kiến phát biểu tại hội nghị
Kết luận cuộc họp, đồng chí Cao Văn Đức, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban chỉ đạo cấp xã yêu cầu các tổ chức, các thôn tổ chức triển khai việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật đất đai (sửa đổi) nghiêm túc, chất lượng, tránh qua loa, hình thức; các thành viên Ban chỉ đạo bám nắm thôn mình phụ trách, hướng dẫn, giúp đỡ các thôn trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đảm bảo đạt kết quả cao. Tổ giúp việc xã tham mưu và thực hiện việc tổng hợp ý kiến một cách chất lượng và đúng thời gian quy định.
Đồng chí Cao Văn Đức - CTUBND xã kết luận giao nhiệm vụ