Trả lời phỏng vấn của Báo Hà Tĩnh về thực hiện lộ trình chuyển đổi số, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đã chia sẻ về kết quả bước đầu, những khó khăn trong việc triển khai và nhận định: Hà Tĩnh đang ở điểm khởi đầu của hành trình chuyển đổi số với yêu cầu đặt ra là cần tầm nhìn chiến lược, quyết tâm chính trị cao và sự kiên trì, quyết liệt, sáng tạo trong suốt quá trình thực hiện.
P.V: Chuyển đổi số (CĐS) được xác định là 1 trong 4 nền tảng chính tạo nên sự phát triển đột phá của Hà Tĩnh trong giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo. Xin ông cho biết, chúng ta đã ưu tiên thực hiện nền tảng quan trọng này như thế nào?
Chuyển đổi số - nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đột phá trên hành trình phát triển (bài 4): Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, tạo sự bứt phá trong từng mục tiêu, nhiệm vụ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, CĐS là nội dung quan trọng trong 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá của Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có các nội dung về CĐS. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khẳng định, CĐS là 1 trong 4 nền tảng chính tạo sự đột phá phát triển.
Thời gian qua, cả hệ thống chính trị Hà Tĩnh đã cùng vào cuộc và đạt được những kết quả bước đầu trong lộ trình chuyển đổi số.
Chuyển đổi số cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ được BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX cụ thể hóa với Nghị quyết số 05 ngày 22/10/2021 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo CĐS tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 05). Đề án CĐS trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt đầu năm 2022 xác định mục tiêu trọng tâm là phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số; gắn quá trình CĐS với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp.
Hà Tĩnh đã ký kết thoả thuận hợp tác chuyển đổi số với Viettel và nhiều tập đoàn hàng đầu về công nghệ thông tin.
Thời gian qua, cả hệ thống chính trị tỉnh nhà cùng vào cuộc và đã đạt được những kết quả bước đầu trong lộ trình CĐS. Tỉnh đã ưu tiên nguồn lực cho CĐS, cụ thể là ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng số, tập trung xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành, triển khai ứng dụng các nền tảng dùng chung đồng bộ trong toàn tỉnh; công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin được chú trọng. Bên cạnh đó cũng ưu tiên chính sách thu hút, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin.
Theo đó, nhận thức và hành động về CĐS của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp (DN) và Nhân dân có sự chuyển biến tích cực; công tác chỉ đạo điều hành, hoạt động quản lý Nhà nước, cung cấp dịch vụ hành chính công được đổi mới căn bản, toàn diện, các mô hình điều hành thông minh được triển khai, hướng tới chính quyền số. Làn sóng CĐS đã lan tỏa, thu hút sự tham gia của người dân, cơ quan, tổ chức, DN trên địa bàn tỉnh, mở ra điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số...
Bảng xếp hạng các nhóm chỉ số DTI năm 2020-2022 của Hà Tĩnh.
Với những nỗ lực đó, Hà Tĩnh từ một tỉnh có điểm xuất phát thấp, nhiều khó khăn, năm 2021, các chỉ số đánh giá về CĐS còn ở nhóm cuối của cả nước, nhưng đến năm 2022, theo công bố của Bộ TT&TT đã tăng 22 bậc, xếp hạng thứ 37/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ. Nhiều nhóm chỉ số tăng bậc vượt trội so với năm 2021 như: chỉ số chính quyền số tăng 20 bậc; xã hội số tăng 18 bậc; trụ cột CĐS tăng 21 bậc; nhóm chỉ số an toàn thông tin mạng tăng 28 bậc; nhóm chỉ số nhân lực số tăng 12 bậc; nhóm chỉ số hạ tầng số tăng 29 bậc; nhóm chỉ số nhận thức số tăng 25 bậc.
Thực trạng chuyển đổi số Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, so sánh với các mục tiêu, yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 05 thì nhiều chỉ tiêu vẫn đạt thấp, phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành vào năm 2025. Việc CĐS diễn ra chưa đồng đều ở các ngành, địa phương. Nhân lực về công nghệ thông tin, CĐS còn thiếu, nhất là tuyến huyện, xã, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; vẫn còn một bộ phận người dân và DN chưa hình thành thói quen giao dịch trực tuyến với chính quyền. Chúng ta đang ở điểm khởi đầu của hành trình CĐS với yêu cầu đặt ra là cần có tầm nhìn chiến lược, quyết tâm chính trị cao và sự kiên trì, quyết liệt, sáng tạo trong suốt quá trình thực hiện.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh được quảng bá trên nền tảng số (mạng xã hội) qua đó mở ra hướng tiêu thụ sản phẩm rộng khắp, thúc đẩy phát triển kinh tế số.
P.V: Vậy, đâu là những lực cản đối với quá trình CĐS, thưa ông?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu: Trước hết, quá trình thực hiện CĐS ở Hà Tĩnh cũng như nhiều địa phương hiện nay đang gặp một số vướng mắc, khó khăn. Trong đó, vấn đề đầu tiên là thể chế. CĐS là ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, làm thay đổi căn bản về mô hình và phương pháp quản lý của cơ quan Nhà nước cũng như các hoạt động về KT-XH trong cộng đồng nên đòi hỏi phải có môi trường pháp lý và chính sách phù hợp, đồng bộ. Đến nay, một số nhiệm vụ về xây dựng thể chế được đề ra trong khung kế hoạch các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số chậm được thực hiện.
Bộ TT&TT luôn đồng hành, hỗ trợ Hà Tĩnh trong nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số, cải thiện các chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp tỉnh.
Vấn đề thứ 2 là các mô hình, giải pháp công nghệ mặc dù rất nhiều nhưng hầu hết DN đang tập trung giải các bài toán nhỏ lẻ, thiếu giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ trên phạm vi toàn ngành, toàn tỉnh. Vấn đề thứ 3 là phần lớn các hệ thống cơ sở dữ liệu của các ngành hiện nay đã được xây dựng từ nhiều năm trước, quy mô nhỏ lẻ, quản lý độc lập, phân tán, ít chia sẻ dùng chung.
Trong khi đó, nhiều bộ chưa ban hành các quy định, định hướng, hướng dẫn cụ thể cho phép các sở chủ động xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu tổng hợp quy mô cấp tỉnh đối với mỗi ngành, lĩnh vực.
Năm 2022, Hà Tĩnh tăng 22 bậc, xếp hạng thứ 37/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ về chỉ số DTI .
Một vấn đề rất quan trọng nữa đó là CĐS là việc khó, cần hội tụ nhiều yếu tố cả về thể chế, nhận thức, công nghệ cũng như nguồn lực dẫn đến yếu tố thuộc về chủ quan của lãnh đạo các ngành, các cấp đối với việc chủ động tham mưu, đề xuất cấp trên cũng như lãnh đạo, chỉ đạo ngành mình, cơ quan mình thực hiện vẫn còn những hạn chế nhất định. Cùng với đó là việc lan tỏa hệ thống nhận thức, niềm tin và động lực CĐS trong xã hội, sự tin dùng và thói quen, kỹ năng giao dịch trực tuyến còn nhiều hạn chế.
P.V: Dẫu còn không ít khó khăn, tuy nhiên, Nghị quyết số 05 đã xác định mục tiêu, đến năm 2025, Hà Tĩnh là địa phương nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về Chính phủ số. Vậy, thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì, thưa ông?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu: Với quan điểm nhất quán: CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện, mang tính đột phá, thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tập trung tổ chức thực hiện Nghị quyết số 05, đề án “CĐS trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025” trên cơ sở sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân.
Thời gian tới Hà Tĩnh sẽ tập trung tổ chức thực hiện các thể chế, chính sách trên cơ sở vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân.
Theo đó, Hà Tĩnh sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: tiếp tục đề xuất Trung ương hoàn thiện cơ chế, chính sách; đồng thời, ban hành các chính sách của tỉnh để thúc đẩy CĐS. Giao các sở, ban, ngành bám sát các quy định, định hướng chiến lược, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương để khẩn trương xây dựng, phát triển các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quan điểm đúng, đủ, sạch và sống.
Chỉ đạo xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, cung cấp dữ liệu mở phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, BHXH, DN, lĩnh vực LĐ-TB&XH, tài chính, dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức... nhằm nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước và phục vụ người dân, DN.
Thời gian tới cần lan tỏa hơn nữa nhận thức, niềm tin và động lực chuyển đổi số trong xã hội.
Lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực của CĐS, thời gian tới, cần đa dạng hóa và thực hiện thường xuyên hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng về CĐS, chính quyền số, kinh tế số đến với mọi người dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, nâng cao tầm nhìn, tư duy đột phá của lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, DN, tổ chức đối với quá trình CĐS trong mọi hoạt động của đơn vị, địa phương bao gồm cả quản lý, xây dựng thể chế, SXKD và chuỗi cung ứng toàn cầu. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương với quá trình thực hiện CĐS và kết quả đạt được tại cơ quan, tổ chức, địa phương mình. Tổ chức giám sát, thống kê kết quả thực hiện thường xuyên; định kỳ tiến hành sơ, tổng kết đánh giá kết quả, đúc rút các bài học kinh nghiệm cho giai đoạn mới.
Các cấp, ngành, tổ chức chính trị xã hội cần tiếp tục đa dạng hóa và thực hiện thường xuyên hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số đến với mọi người dân trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện hiệu quả những nội dung trên, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải có sự quyết tâm cao; liên tục, kiên trì, quyết liệt và sáng tạo trong tổ chức thực hiện để ngày càng tạo ra những thành quả mới trên lĩnh vực CĐS; để CĐS vừa là nền tảng, động lực, vừa là công cụ đột phá trên hành trình thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước như mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh!
Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg về việc lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày CĐS quốc gia. Chủ đề của Ngày CĐS quốc gia năm 2023 là “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”. Các hoạt động hưởng ứng tập trung vào thúc đẩy, phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới trong hoạt động của cơ quan Nhà nước phục vụ người dân và DN. Theo kế hoạch, các cấp, ngành ở Hà Tĩnh sẽ tổ chức thông tin, tuyên truyền về Ngày CĐS quốc gia; tổ chức các cuộc thi, hoạt động cộng đồng để nâng cao nhận thức của người dân về CĐS; triển khai chiến dịch cấp chữ ký số công cộng cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân; tổ chức ra quân đồng loạt các tổ CĐS cộng đồng; tổ chức tập huấn kỹ năng số và an toàn thông tin cá nhân; phát động và tổ chức tháng 10 - Tháng tiêu dùng số, thúc đẩy mua sắm trực tuyến...
Theo BHT