Như tiếng chuông chùa ngân vọng bên dòng Ngàn Phố (Hương Sơn, Hà Tĩnh), những tác phẩm y học, văn học của Đại danh y Lê Hữu Trác để lại khiến hậu thế thêm kính ngưỡng tài năng, nhân cách của ông.

Tượng đài Lê Hữu Trác nằm trên núi Minh Tự thuộc xã Sơn Trung (Hương Sơn

Trong một lần đến chùa Tượng Sơn (xã Sơn Giang, Hương Sơn), nơi lưu lại nhiều ký ức về cuộc đời của Đại danh y Lê Hữu Trác, tôi khá ngạc nhiên khi thấy bức tượng Hải Thượng Lãn Ông được dựng trang trọng phía Đông khuôn viên chùa và trong điện thờ được thờ tự ngang hàng với các vị phật. Đáp lại băn khoăn của tôi, nhà sư Thích Ngộ Minh Chánh, phụ trách tại chùa Tượng Sơn cho biết: “Trong Phật giáo, vị chủ trì cho sức khỏe của chúng sinh là ngài Đông Phương giáo chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật. Với lòng từ bi rộng lớn, mỗi khi chúng sinh gặp bệnh tật, mong có thể gặp thầy, gặp thuốc cầu xin ngài thì tùy duyên mà được như ý.

Sinh thời, Hải Thượng Lãn Ông là vị Đại danh y không chỉ có tài năng lỗi lạc trong chữa bệnh cứu người, mà hễ có người dân nào đau ốm, bệnh tật cầu đến ông thì bất kể giàu, nghèo, sang, hèn, ông đều tận tâm, tận lực cứu chữa… Đạo hạnh của Hải Thượng Lãn Ông có thể xem như một sự hóa thân làm bồ tát cứu độ chúng sinh của Phật Dược Sư. Vì thế, tại chùa Tượng Sơn, ngài ấy được thờ như một vị phật”.

bqbht_br_a2.jpg
Toàn cảnh chùa Tượng Sơn (xã Sơn Giang, Hương Sơn) nơi lưu lại nhiều dấu ấn về cuộc đời và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Từ chính ý của nhà sư, tôi tìm về những di sản mà Hải Thượng Lãn Ông để lại cho hậu thế, để hiểu hơn về tài năng, nhân cách của Đại danh y.

Lê Hữu Trác (1724-1791), quê ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên). Thân phụ ông là cụ Lê Hữu Mưu (1675-1739), từng đỗ tiến sỹ và làm quan đến chức Hữu thị lang Bộ Công. Thân mẫu là bà Bùi Thị Thưởng, con gái Tướng công Bùi Diệm Đăng, quê ở xứ Bàu Thượng, xã Tình Diệm, huyện Hương Sơn, nay là xã Quang Diệm (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Lê Hữu Trác là người có tư chất thông minh, ông từng đậu Tam trường, sau đó tiến thân bằng con đường binh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi xông pha trận mạc, ông cảm thấy không phù hợp. Năm 1746, lấy cớ anh trai mất, ông rời quân ngũ trở về quê ngoại Hương Sơn để phụng dưỡng mẹ già. Tại đây, Lê Hữu Trác đã dành phần đời còn lại chuyên tâm nghiên cứu y thuật, chữa bệnh cứu người.

a3.jpg
Bức họa chân dung Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ảnh: Tư liệu.
 

Ông đã để lại di sản đồ sộ về y thuật và văn chương thông qua hàng chục bộ sách, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó, nổi bật nhất là bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”, gồm 28 tập/66 quyển. Bộ sách là công trình đồ sộ, viết chủ yếu bằng chữ Hán, được Lê Hữu Trác bắt đầu hoàn thành cơ bản (và viết lời tựa) năm 1770; sau đó được ông bổ sung thêm các tập: “Y trung quan kiện” (1780), “Y hải cẩu nguyên” (1782), “Thượng kinh ký sự” (1783); “Vận khí bí điển” (1786). Sách được in (bản khắc ván) lần đầu vào năm 1885. Bộ sách ban đầu có tên “Lãn Ông tâm lĩnh” do Lê Hữu Trác tự đặt, về sau được những người dịch, biên tập, khảo cứu đặt lại với các tên khác nhau như: “Hải Thượng tâm lĩnh di thư”, “Tân thuyên Hải Thượng y tông tâm lĩnh toàn tập”, “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”…Tuy nhiên, “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” là tên gọi phổ biến hơn cả. Ngoài bộ “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh”, Lê Hữu Trác còn để lại nhiều tác phẩm khác như: “Vệ sinh yếu quyết”, “Nữ công thắng lãm”, “Bảo thai thần hiệu diễn ca” và hàng trăm bài thơ.

bqbht_br_a4.jpg
Một số tác phẩm tiêu biểu của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

“Hải Thượng y tông tâm lĩnh” trước hết là công trình khoa học về y thuật mang giá trị lớn, thể hiện tài năng của Lê Hữu Trác trong nghiên cứu các phương pháp chẩn đoán, điều trị chữa bệnh bằng đông y. Trong 28 tập, ngoài cuốn “Vấn sách” - ghi chép lại những điều tâm huyết trao đổi về nghề với người bạn ở Hương An là Nguyễn tiên sinh, đối đáp với học trò trong lúc giảng bài và “Thượng kinh ký sự” - thuật lại hành trình lên kinh đô chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm năm 1782 được viết theo dạng ký văn học thì phần lớn các tập còn lại tập trung về kiến thức y học. Trong đó, Đại danh y đã kế thừa những tinh hoa y học cổ truyền phương Đông để nghiên cứu phát triển thành nhiều phương pháp chẩn đoán, điều trị chữa bệnh.

Tiêu biểu như các tập: “Huyền tẫn phát vi”, nói rõ công dụng mở đầu của “Tiên thiên”, âm - dương, thủy - hỏa; cách phân biệt chứng trạng, dùng thuốc, phép chữa theo học thuyết Tâm - Thận. Các tập “Dược phẩm vậng yếu”, chọn lấy 150 vị thuốc thường dùng trong bản thảo, chia làm 5 bộ để tiện tra cứu; “Lĩnh Nam bản thảo”, soạn các vị thuốc cây cỏ ở Lĩnh Nam (bao gồm Việt Nam và miền Nam Trung Quốc) chia thành môn loại, chú thích tính chất cách chữa, cách thu hái; “Hiệu phỏng tân”, trong khi lâm sàng chế ra 29 bài thuốc hiệu nghiệm… Ngoài ra, ông còn dụng công biên soạn các tập “Phụ đạo xán nhiên” (chuyên về bệnh phụ khoa), “Tọa thảo lương mô” (chuyên về sản khoa), “Ấu ấu tu trị” (chuyên về nhi khoa)…

Trong tham luận gửi về Hội thảo khoa học quốc gia “Một số vấn đề về tiếp nhận và phát huy giá trị di sản Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác”, tổ chức tại Hà Tĩnh năm 2022, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thủy Phương (Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam) nhận định: “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” là bộ bách khoa toàn thư của Đông y Việt Nam, trong đó bao gồm các phương pháp toàn diện cho các chuyên khoa từ phòng, cho đến trị bệnh, bàn sâu về lý thuyết âm dương, cơ chế bệnh học, cơ chế sinh hóa…”.

bqbht_br_a5.jpg
Cán bộ Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh nghiên cứu các tác phẩm của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Đại danh y.
 

Hiện nay, “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” vẫn đang được ngành y học cổ truyền Việt Nam và nhiều nước trên thế giới tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả trong chữa bệnh cứu người.

Là công trình mang tính khoa học nhưng các tác phẩm của Lê Hữu Trác không vì thế mà khô cứng. Trái lại, có sự mềm mại, uyển chuyển trong trình bày, diễn giải những kiến thức y lý, giúp độc giả dễ dàng tiếp cận. Tiêu biểu về tính văn chương trong bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” là cuốn “Thượng kinh ký sự”. Cuốn sách được tác giả ghi lại trong quá trình ông được mời lên kinh thành chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm năm 1782. Được viết theo thể ký văn học, “Thượng kinh ký sự” không chỉ phản ánh những sự việc người thật, việc thật trong cuộc hành trình của Lê Hữu Trác, từ quê mẹ Hương Sơn đến đất Thăng Long, những cuộc gặp gỡ trò chuyện với chúa Trịnh, bắt bệnh, chữa bệnh cho thế tử… mà còn thể hiện những cảm nhận của ông về con người, thời cuộc, nghề y một cách sâu sắc. Qua đó, khái quát làm nổi bật hiện thực đời sống xã hội Việt Nam đương thời.

Với lối văn giản dị, mạch lạc, lúc miêu tả hiện thực một cách trực diện nhưng cũng có lúc tự sự, trữ tình khiến “Thượng kinh ký sự” trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam trung đại. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi từng nhận xét: “Đất Thăng Long, nơi có cuộc sống kiêu sa của giai cấp thống trị… cũng chính nơi mà Lê Hữu Trác đã sống suốt cả một quãng đời trai trẻ. Bởi vậy, ông có cái nhìn khách quan, ít nhiều sắc lạnh trước cuộc sống kiêu sa kia nhưng mỗi khi sống lại những kỷ niệm thân thương ngày xưa thì niềm trìu mến của ông bỗng dâng tràn. Lúc ấy, ngòi bút của ông vượt khỏi cái nhìn có ý nghĩa phê phán mà chuyển sang một cái nhìn đầy rung cảm, trữ tình. Hai mặt hiện thực và trữ tình quyện chặt với nhau làm thành một phong cách độc đáo của “Thượng kinh ký sự”.

154d5172935t25989l0.jpg
Những hiện vật nghề y của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại nhà thờ Đại danh y ở xã Quang Diệm (Hương Sơn).

Những trước tác của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ thể hiện tài năng của ông về y thuật, văn chương mà còn cho thấy nhân cách cao đẹp của Đại danh y. Trước hết đó là sự tận tâm, tận lực khi dày công nghiên cứu và soạn ra những công trình nghiên cứu y thuật với mong muốn tột cùng là phổ biến rộng rãi để giúp chấn hưng nền y học dân tộc. Trong “Thượng kinh ký sự”, Lê Hữu Trác cũng đã giải bày mong muốn, tìm được người có thể in bộ sách về nghề thuốc của mình trong chuyến đi kinh thành Thăng Long.

Những tâm sự, trăn trở của ông đối với nghề y khi chứng kiến thói hống hách của những thầy thuốc ở kinh kỳ đối với việc chữa bệnh cho dân, khinh khi người thầy thuốc “nhà quê” như ông mà không chịu nghiên cứu, tiếp thu cái mới. Ngay trong những công trình nghiên cứu của mình, ông cũng dành sự quan tâm đến tất cả mọi đối tượng bệnh nhân, không kể sang hèn, trai, gái, không kể bệnh thông thường hay những căn bệnh nan y thời bấy giờ…

Và hơn hết, cùng với kiến thức, trong các trang viết của mình, Lê Hữu Trác đã triển khai lồng ghép y đạo từ “Y huấn cách ngôn” mà cuộc đời phụng sự Nhân dân ông đã rút ra cho mình và trao truyền cho thế hệ sau. Trong “Y huấn cách ngôn”, Lê Hữu Trác viết: “Phàm thầy thuốc nên nghĩ đến việc giúp đỡ người, không nên tự ý cầu vui, như mang rượu lên núi, chơi bời ngắm cảnh, vắng nhà chốc lát, nhỡ có bệnh nhân cấp cứu làm cho người ta sốt ruột mong chờ nguy hại đến tính mệnh con người. Vậy cần phải biết nhiệm vụ mình là quan trọng như thế nào”.

 
bqbht_br_3a-7172-2850.jpg
Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh ứng dụng kiến thức từ các bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông trong chữa trị cho bệnh nhân.

Tiến sĩ Triết học Đinh Trung Hòa nhận định: “Hệ y đức của Lãn Ông đã chạm đến một cách sâu sắc những nhu cầu thông thường nhất của con người, có giá trị bền vững với thời gian và xuyên qua những khác biệt của các nền văn hóa”. Điểm lại những tác phẩm y học, văn chương của ông để một lần nữa thấy được sự tỏa sáng của chữ “tâm”, chữ “tài” từ cuộc đời Đại danh y.

 

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 286.412
    Online: 24