Cùng với nhân dân cả nước, bà con Sơn Tây hăng hái vừa lao động sản xuất, vừa chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954), nhân dân Sơn Tây đã thể hiện được lòng quyết tâm, bản lĩnh và lòng yêu nước vô bờ bến của mình.

Củng cố chính quyền, diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm xây dựng đời sống văn hóa mới (1945 - 1947)

Củng cố chính quyền

Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân. Đó là niềm vui cũng là thuận lợi mới đối với toàn thể dân tộc ta nhưng cũng đặt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trước nhiều khó khăn, thử thách nhất là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Trước tình hình mới, Ban quản trị các đồn điền đã lãnh đạo nhân dân thực hiện các chủ trương của Việt Minh. Đó là nhiệm vụ chuẩn bị mọi mặt cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa I diễn ra sắp tới. Việt Minh huyện đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, ý nghĩa cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của cử tri đối với cuộc Tổng tuyển cử lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Khắp các xóm, không khí chuẩn bị bầu cử hết sức sôi nổi. Danh sách các ứng viên Quốc hội được niêm yết ở Nhà Ban quản trị nông trường. Trên các tuyến đường, bức tường ven đường được treo các khẩu hiệu, pa - nô, áp - phích về bầu cử. Thơ ca sáng tác cổ động cho cuộc Tổng tuyển cử được phổ biến rộng rãi. Trước ngày bầu cử, ở đình làng, nơi bỏ phiếu được trang trí cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm trang nghiêm. Ngày 05.01.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát lời kêu gọi đồng bào: “Ngày mai là ngày vui sướng nhất của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử, vì ngày mai là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình. Ngày mai, mọi người đều nên vui vẻ hưởng dụng quyền lợi của một người dân độc lập".

Mờ sáng ngày 06.01.1946, tiếng trống mõ xen lẫn với tiếng loa phát thanh của cán bộ Việt Minh phát lời kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu. Khắp các ngã trong xóm, công nhân, phu đồn điền đổ về điểm đặt hòm phiếu để thực hiện quyền dân chủ của mình. Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân được tận tay cầm lá phiếu bầu người xứng đáng đại diện cho mình vào cơ quan cao nhất của nước Việt Nam mới nên công tác bầu cử Quốc hội ở các đồn điền Voi Bổ, Hà Tân diễn ra an toàn với gần 98% cử tri tham gia.

Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I thắng lợi là sự khẳng định sức mạnh khối đoàn kết toàn dân và ý chí quyết tâm làm chủ của nhân dân ta. Cùng với cả nước, nhân dân các đồn điền đã góp sức cho thắng lợi chung, tạo bước chuyển biến mới trong tổ chức, vận động đoàn thể cách mạng.

Sau bầu cử Quốc hội, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, hai đồn điền Hà Tân và Voi Bổ đã củng cố lại Ban quản trị, thành lập Ban dinh điền để quản lý hai đồn điền, phân bố tài sản, công việc cho dân. Ban dinh điền gồm có:

  1. Ông Phạm Dũng - Sơn Giang (theo lịch sử xã Sơn Gianh thì ông  này đang đảm nhiệm chức vụ Bí thư chi bộ xã Đồng Khánh)
  2.  Ông Đào Võ – Sơn Bằng
  3. Ông Tôn Quang Cơ – Sơn Bình
  4. Ông Trần Duy Huyền – Sơn Bình
  5. Ông Trần Cận – Sơn Thịnh
  6. Ông Nguyễn Tùng – Tân Lĩnh
  7. Trần Liên – Tân Lĩnh
  8. Ông Kiều Liêu - Sơn Mai (là cán bộ của huyện phái xuống).

Trong năm 1946, chi bộ của vùng đồn điền cũng được thành lập gồm có 4 đảng viên: Trần Cận, Lê Đệ, Nguyễn Liên, Trần Trữ, đồng chí Trần Cận được bầu làm Bí thư.

Sau cách mạng tháng Tám thành công, dưới sự lãnh đạo của huyện ủy, vùng đồn điền đã thành lập được chính quyền, chi bộ Đảng để lãnh đạo nhân dân tham gia các hoạt động nhằm giải quyết những nhiệm vụ trước mắt là diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm  

       Sau khi được thành lập, Chi bộ cùng với Ban Dinh điền đã lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh diệt giặc đói, giặc dốt, xây dựng đời sống văn hóa mới. Trước mắt, hưởng ứng phong trào tiết kiệm và tăng gia sản xuất với khẩu hiệu “Mười ngày nhịn ăn một bữa”, “tăng gia sản xuất, tăng gia sản xuất ngay, tăng gia sản xuất nữa”, “Tấc đất tấc vàng, không một tấc đất bỏ hoang”. Mọi gia đình đều tự mình cứu đói bằng cách lên rừng tìm củ mài, rau quả về làm thức ăn qua ngày. Mặt khác, Chi bộ lãnh đạo nhân dân tích cực sản xuất, mở rộng diện tích canh tác dưới nhiều hình thức: làm rẫy lẫn làm ruộng; đưa nhiều loại cây hoa màu ngắn ngày như: khoai lang trắng, sắn, bầu, ngô…vào trồng đại trà. Với tinh thần tiết kiệm, tương thân, tương ái, nhân dân ta đã sát cánh bên nhau cùng vượt qua gian khổ, bước đầu đẩy lùi nạn đói.

Sau cách mạng thành công, để giải quyết hơn 95% dân mù chữ, ngày 08.9.1945, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ ký quyết định thành lập Nha bình dân học vụ, trực tiếp chỉ đạo công tác xóa mù chữ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, các lớp bình dân học vụ ở đồn điền Voi Bộ, Hà Tân được mở ra. Vùng Hồ Tây do thầy Hồng người Sơn Hòa phụ trách, vùng Hoàng Nam do thầy Đào Sinh Châu (Sơn Bằng) phụ trách, vùng Voi Bổ do ông Phan Huy Trạch đảm nhiệm. Với phương châm: người biết ít dạy cho người chưa biết, người biết nhiều dạy cho người biết ít, chồng biết chữ dạy cho vợ, con biết chữ dạy cho cha mẹ… mọi người cùng học, cùng dạy tạo nên một phong trào diệt giặc dốt sôi nổi. Khắp nơi trong các xóm đêm đến rộn lên tiếng học vần i, t, o, a…  Nhờ đội ngũ giáo viên kiên trì, nhân dân tích cực học tập nên chỉ sau một thời gian ngắn, hàng trăm người đã biết đọc, biết viết. Ngày bầu cử Quốc hội khóa I (ngày 6.01.1946), nhiều ông, bà đã tự tay viết được đại biểu Quốc hội vào lá phiếu của mình.

Cuộc vận động “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ bạc” để gây Quỹ Độc lập được các tổ chức Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc… hưởng ứng tích cực. Trên tinh thần tự nguyện, nhiều gia đình đã góp khuyên tai, vòng cổ, nhẫn cưới, mâm thau, nồi đồng... vốn là những vật dụng có giá trị lớn và ý nghĩa thiêng liêng cho cách mạng mà không mảy may đòi quyền lợi. Tổng kết phong trào, đồn điền Voi Bổ, Hà Tân thu được một số vàng, bạc góp phần làm nên thành tích chung của huyện.

Các hoạt động xây dựng đời sống mới, xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan cũng được phát động trong toàn dân. Nhờ có nhiều biện pháp tích cực, các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, trộm cắp trong dân giảm hẳn. Một số tập tục rườm rà trong ma chay, cưới hỏi được bãi bỏ. Trong xóm, làng, mọi người sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Sự phân biệt đối xử (giàu nghèo, nam nữ) được hạn chế.

Đối với nhiệm vụ chống giặc ngoại xâm: Sau khi giành được chính quyền, nhân dândân quân du kích vùng đồn Voi Bổ, Hà Tân đã tham gia cùng quân dân toàn huyện tiến đánh cứ điểm Na Pê giành thắng lợi, tiêu diệt một trung đội địch, trong đó có 2 sỹ quan Pháp tử trận, một người bị bắt. Chiến thắng Na Pê có ý nghĩa lớn đối với quân và dân Hương Sơn nói riêng, Nghệ An, Hà Tĩnh nói chung đã  đạp tan âm mưu của thực dân Pháp dùng Na Pê làm bàn đạp theo đường 8 để đánh chiếm Nghệ An và Hà Tĩnh.

Hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch (19.12.1946) và Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Trung ương Đảng, Chi bộ Đảng Nông trường đã lãnh đạo nhân dân tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhiệm vụ trước mắt được Chi bộ chú trọng là: củng cố lực lượng, xây dựng hậu phương vững mạnh. Nhờ đó, lực lượng dân quân tự vệ của xã tăng nhanh về số lượng và tổ chức luyện tập thường xuyên.

Sang năm 1947, thực hiện chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến”, đội du kích xã cùng với các xã khác tổ chức đào các hố, tạo chướng ngại vật trên đường, phá các đồn canh của Pháp không để chúng lợi dụng khi đổ bộ vào Hương Sơn. Đội du kích còn tổ chức canh gác ở dốc Bảy Tầng, Rào Mắc, Nước Sốt. Khi có điều gì nghi vấn cho liên lạc báo về cho dân thực hiện chính sách “vườn không, nhà trống”, người già, trẻ nhỏ trốn vào rừng.

Cùng thời gian này, Hội Mẹ chiến sỹ cũng được thành lập do mẹ Nguyễn Thị Toàn làm hội trưởng. Hội thường xuyên vận động các hội viên quyên góp quỹ để giúp đỡ những gia đình khó khăn và tặng quà cho tân binh lên đường nhập ngũ.

Phong trào diệt giặc dốt tiếp tục phát triển, các lớp bình dân học vụ được duy trì. Năm 1947, Trường cấp 1 Tây Sơn (lúc bấy giờ gọi là Trường cấp 1 Cơ bản) ra đời. Địa điểm đặt tại xóm Hoàng Nam (nay là xóm Cây Chanh), có 4 lớp với 95 học sinh. Hiệu trưởng lúc bấy giờ là thầy Ba.

2. Tham gia phong trào “thi đua ái quốc”, tiếp tục kháng chiến chống thực dân Pháp (1948 - 1954)

Thực hiện chủ trương của cấp trên năm 1948, xã Tây Sơn được thành lập gồm vùng Kim Cương, Cẩm Linh, Hà Tân, Nhồng và một phần của Sơn Quang ngay nay. Lúc bấy giờ, Chi bộ Tây Sơn đã có các tổ Đảng như: Khe Chè1, Khe Trung, Khe Sú với tổng số đảng viên 35 đồng chí do đồng chí Lương Quốc Kính - Bí thư; đồng chí Phan Trọng Thoại - Chủ tịch Ủy ban hành chính.

Sau khi kiện toàn, củng cố bộ máy tổ chức, Chi bộ Tây Sơn đã lãnh đạo nhân dân tích cực đẩy mạnh phong trào "Thi đua ái quốc" do Hồ Chủ tịch phát động ngày 11.6.1948 bằng các việc làm cụ thể trước mắt là: Củng cố tổ chức Đảng, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên; làm tốt công tác bố phòng; đẩy mạnh sản xuất, xây dựng hậu phương chi viện cho tiền tuyến.

Trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đi vào giai đoạn ác liệt, quân ta ngày càng nắm được thế chủ động trên chiến trường, để bảo vệ những thành quả đạt được, Đảng, Chính phủ ta đã huy động một lực lượng lớn đi bộ đội và dân quân hỏa tuyến. Năm 1949, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đặt nhiệm vụ xây dựng dân quân là công tác trọng tâm của toàn Đảng bộ. Thực hiện chủ trương đó, Chi bộ Tây Sơn thường xuyên chăm lo làm tốt công tác xây dựng dân quân du kích cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, công tác huấn luyện và học tập chính trị trong dân quân du kích được tổ chức chặt chẽ. Mỗi tháng du kích huấn luyện 2 ngày về kỹ chiến thuật, một ngày học tập chính trị. Dân quân mỗi quý có 4 ngày học tập quân sự, 1 ngày học tập chính trị. Chế độ tuần tra canh gác và trực chỉ huy, trực chiến đấu ở các làng được duy trì.

Nhờ làm tốt công tác giải thích, tuyên truyền, động viên với nhiều hình thức linh hoạt, ngày tòng quân trở thành ngày hội của toàn dân. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Chỉ thị ngày 15.3.1949, chi bộ Đảng đã ra chủ trương chỉ đạo hướng dẫn các địa phương tập trung ruộng đất, tài sản, trâu bò, tiền bạc nhân dân ủng hộ trong tuần lễ đỡ đầu dân quân tiến hành sản xuất theo lối tập thể. Hoa lợi thu được chia làm 3 phần: một phần giao cho dân quân sử dụng; hai phần để trả công cho những người tham gia sản xuất và chi phí của Ban Quản lý.

Từ năm 1949, các làng trong xã đã thực hiện “hợp tự” - bỏ tế lễ ở đình, chùa, miếu, đền. Trong quá trình thực hiện, do nhận thức “tả khuynh” dẫn đến nhiều đình, đền, chùa bị phá dỡ. Qua cuộc vận động ít nhiều đã làm giảm bớt một số hủ tục thờ cúng lạc hậu. Tuy nhiên, nó cũng phá hủy được một số di tích lịch sử và làm mất nhiều đồ tế khí có giá trị.

Cũng từ năm 1949, Mặt trận Bình - Trị - Thiên đang là mặt trận nóng bỏng, lại là tiền tuyến trực tiếp của Thanh - Nghệ Tĩnh. Cùng với cả huyện, nhân dân Tây Sơn ngày đêm hướng về Bình - Trị - Thiên khói lửa, chung sức người, sức của nhiệt tình quyên góp tiền, gạo, áo quần, sách vở, giấy bút gửi vào Bình - Trị - Thiên. Đồng thời, thực hiện chủ trương của tỉnh, một trung đội vũ trang công tác gồm những dân quân, du kích ưu tú của các xã trong huyện được tỉnh hội huấn luyện trong thời gian 15 ngày và điều vào chiến đấu ở Bình - Trị - Thiên. Anh em đã cùng với quân dân địa phương chiến đấu anh dũng, không sợ gian khổ, hi sinh, đánh nhiều trận, lập nhiều thành tích.

Cuộc kháng chiến chuyển biến ngày càng có lợi cho ta. Trung ương Đảng đề ra nhiệm vụ: “Gấp rút hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công”. Để thực hiện nhiệm vụ ấy, tháng 4.1950, Hội đồng nhân dân tỉnh ra Nghị quyết: “Hà Tĩnh không được thiếu người, thiếu của, không được thiếu một thứ gì cung cấp cho kháng chiến. Đảng bộ huyện Hương Sơn hưởng ứng chiến dịch một cách rầm rộ với nội dung: Thi đua tòng quân, ủng hộ tân binh, đỡ đầu bộ đội, ủng hộ quân giới, tăng gia sản xuất, sửa đường quốc lộ... Đại hội quân dân chính tỉnh ngày 26.10.1950, tổng kết chiến dịch đã biểu dương hai huyện có phong trào rầm rộ nhất, trong đó có huyện Hương Sơn. Cùng với cả huyện, nhân dân Tây Sơn vinh dự và tự hào khi có đóng góp một phần không nhỏ vào thành tích nổi bật của cả huyện.

Trước tình hình mới, tháng 02.1951, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II diễn ra tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã đề ra nhiệm vụ chính của ta thời gian tới là: đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn; quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt  Nam và đưa Đảng ra hoạt động công khai.

Đảng ra hoạt động công khai, Mặt trận Việt Minh đóng vai trò đoàn kết toàn dân, nên Đảng ta chủ trương thống nhất mặt trận Việt Minh và Liên Việt thành mặt trận Liên Việt. Tháng 12.1951, Mặt trận Liên Việt xã Tây Sơn ra đời, ông Lương Quốc Kính làm Chủ tịch.

Cuộc kháng chiến của dân tộc ta càng gần thắng lợi, càng nhiều gian nan ác liệt. Từ năm 1951, địch điên cuồng càn quét, bình định vùng tạm chiếm Thanh - Nghệ - Tĩnh. Trước tình hình đó, Chi ủy Tây Sơn đã chủ trương tăng cường củng cố lực lượng, luyện tập quân sự cho dân quân du kích, phòng tránh máy bay địch bắn phá, đào thêm hầm trú ẩn ở tư gia, nơi công cộng như trường học, trạm xá… hướng dẫn cho nhân dân phòng tránh khi có máy bay, chống chủ quan khinh địch. Ngoài ra, xã còn thực hiện các nhiệm vụ khác như: tiếp vận, xe thồ chở lương thực, thực phẩm, vũ khí. Tây Sơn là một mắt xích quan trọng có vị trí xung yếu nên chi bộ đã chủ trương củng cố lực lượng tại chỗ, chống trả các đợt tập kích của địch từ Lào sang. Đây được xem là nhiệm vụ then chốt mà Tây Sơn xác định: Muốn thắng giặc, nội bộ phải đoàn kết, địa bàn phải trong sạch.

Để phục vụ tốt ngày càng nhiều cho các chiến trường, năm 1951, Chính phủ ta đã ban hành Sắc lệnh giảm tô, điều lệ thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp. Thực hiện chủ trương, chi bộ Đảng tổ chức cho toàn thể đảng viên và nhân dân học tập sâu rộng; bầu ban thuế nông nghiệp từ xã đến xóm, ban chỉnh lý ruộng đất, ban tạm thu thuế nông nghiệp…

Dựa trên cơ sở chỉnh lý, tờ kê khai của từng hộ, các tổ đảng tổ chức họp trước, sau đó họp toàn dân trong xóm để bình xét, xây dựng mức tạm thu cho từng hộ. Nhờ có sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, đảng viên gương mẫu tiên phong nên nhân dân tích cực thực hiện, chỉ trong 1 tuần lễ hàng chục tấn thóc của cả xã được nhập kho. Việc thu thuế đạt kết quả lớn nhưng vì công việc còn mới mẻ, trong lãnh đạo có một số điểm thiếu thống nhất nên nảy sinh một số sai lầm như: đặt mức thuế quá cao cho một số hộ. Rút kinh nghiệm, trong thu thuế vụ chiêm 1952, tận thu thuế vụ mùa 1951, xã hoàn thành kế hoạch đề ra, nghiêm khắc trừng trị những tên đội lốt tôn giáo xúi dục nhân dân trốn thuế, nợ thuế.

Song song với cuộc đại vận động sản xuất tiết kiệm, chi bộ Đảng còn chú trọng phát triển các mặt: văn hóa, xã hội, đặc biệt chăm lo công tác bình dân học vụ nhằm chống nạn mù chữ quay lại. Thời điểm này, Hà Tĩnh được Trung ương khen trong việc tuyển quân và thanh toán nạn mù chữ sớm trong cả nước. Lúc bấy giờ ở Tây Sơn, phong trào bình dân học vụ phát triển thành phong trào bổ túc văn hóa.

Năm 1952, cuộc chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt. Địch tăng cường đánh phá nhiều nơi ở khu IV, trên địa bàn huyện Hương Sơn cũng có nhiều địa điểm bị đánh phá: tháng 3.1952, chúng đánh vào xã Bình Mỹ, bom rơi trúng xưởng sản xuất nông cụ Hà Huy Tập (Sơn Bình, Sơn Hà), ném bom sập cầu Choi, sau đó tiếp tục ném bom trúng xưởng Hoàng Văn Thụ (Kim Hoa), làm sập cầu Nầm. Cũng trong năm 1952, chúng tập hợp lực ở NaPé, đánh chiếm Tây Sơn. Trước tình hình mới, chi bộ đã có chủ trương chuyển một số sinh hoạt như: họp chợ, các lớp bình dân học vụ chuyển học từ ban ngày sang ban đêm. Trong sản xuất, mặc dù thiên tai, hạn hán, lũ lụt thường xuyên diễn ra nhưng với quyết tâm “vắt đất ra nước”, “thay trời làm mưa”, vụ chiêm xuân đảm bảo cấy hết diện tích; hậu quả lũ lụt năm 1953 nhanh chóng được khắc phục.

Bị thất bại nặng nề trên chiến trường Đông Dương, giặc Pháp lâm vào thế bị động, từ mùa hè 1953 thực dân Pháp dựa vào đế quốc Mỹ thực hiện kế hoạch Na-Va. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch quyết định mở cuộc tấn công chiến lược Đông Xuân (1953 - 1954).

Từ tháng 7 đến tháng 12.1953, nhiều lần quân Pháp cùng bọn phản động tập kích ở Rú Đền (Kim Cương) nhưng đều bị lực lượng tự vệ của ta chống trả quyết liệt bằng súng, đại đao và lưu đạn buộc địch phải chạy về bên kia biên giới. Đơn cử:

Ngày 05.9.1953, một toán địch gồm 30 tên gặp phải ổ phục kích của ta ở Đồ Động, phải khiêng xác chết và những tên bị thương tháo lui. Ngày 16.10.1953, địch tấn công lần thứ 3. Trận địa phục kích của xã được lui về phía Tây của đền Kim Cương 0,5 km. Đúng 2h sáng ngày 16.10, địch đã áp sát dưới chân đồi. Đến rạng sáng 16.10, chúng tấn công vào trận phục kích. Tổ phục kích của ta gồm có 3 người do đồng chí Nguyễn Xuân Thảnh ở thôn Cây Thị làm tổ trưởng đã chiến đấu dũng cảm nhưng do lực lượng quá ít, lực lượng hỗ trợ không kịp nên trận địa bị chọc thủng. Đồng chí Nguyễn Xuân Thảnh bị thương nặng. Cuộc tập kích kéo dài đến 10h trưa thì địch phải tháo chạy sang bên kia biên giới, một số bị thương, một số chết. Ngày 26.10.1953, một toán địch gồm 120 tên hóa trang thành dân thường tập kích vào địa bàn Kim Cương đã bị dân quân du kích phát hiện, ném lựu dạn làm chết 2 người, bị thương 12 người, còn lại tháo chạy. Lúc này, Trung đội trưởng Nguyễn Thanh (người thiên chúa giáo) rất gan dạ, linh hoạt trong chỉ huy dân quân du kích Tây Sơn chống biệt kích đã cùng toàn thể dân quân Tây Sơn bảo vệ vững chắc biên giới quê hương. Với những thành tích trên, năm 1954, đồng chí Nguyễn Thanh được biểu dương tại Đại hội liên hoan dân quân du kích toàn huyện diễn ra ở Sơn Bằng.

Bước vào giai đoạn mới, nhân dân Tây Sơn cũng như các xã khác trong huyện phải đối phó với sự đánh phá điên cuồng của giặc Pháp. Chúng bắn phá miền Bắc nhất là Thanh - Nghệ - Tĩnh nhằm ngăn chặn sự chi viện của ta cho chiến trường. Chi bộ đã tổ chức học tập cho các đảng viên và toàn thể quần chúng để mọi người nhận rõ tình hình, nhiệm vụ, nhất là nhận rõ sự suy yếu của giặc Pháp và những âm mưu thâm độc của chúng để nhân dân thấm nhuần chiến lược tổng tiến công của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch. Đồng thời, chi bộ còn đẩy mạnh công tác bố phòng bảo vệ vững chắc địa phương, ra sức bồi dưỡng sức dân, đẩy mạnh sản xuất và chi viện cao nhất sức người, sức của cho chiến trường.

Trải qua 9 năm kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nhân dân Tây Sơn đã làm tốt nhiệm vụ xây dựng, củng cố hậu phương, chi viện tiền tuyến. Qua mỗi chặng đường, chi bộ đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, cả về tổ chức và năng lực. Chi bộ đã phát huy được truyền thống yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, truyền thống lao động cần cù, chịu đựng gian khó đưa xã giành thắng lợi này đến thắng lợi khác. Kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp, Tây Sơn đã trực tiếp chiến đấu 4 trận giữ vững mảnh đất cửa ngõ phía Tây của xã; có 200 thanh niên tình nguyên đi bộ đội, 1.600 lượt người đi dân công hỏa tuyến và đóng góp 8.200 kg gạo để chi viện cho chiến trường. Cũng trong cuộc kháng chiến trường kỳ này, đã có 14 người hi sinh, 2 người bị bắt, 53 con trâu bò bị bắn chết… Sự cống hiến xương máu, mồ hôi của nhân dân Tây Sơn đã góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ thành công thành quả cuộc Cách mạng tháng Tám. Đây cũng là động lực để nhân dân Tây Sơn quyết tâm đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, sẵn sàng chuẩn bị những điều kiện cần thiết để bước vào thời kỳ cách mạng mới.

Trích Lịch sử Đảng bộ xã Sơn Tây


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 286.604
    Online: 61